Xu hướng đầu tư vào vàng có phần chiếm ưu thế trong nửa đầu năm 2020 khi thị trường BĐS giảm nhiệt. Tuy nhiên trong điều kiện giá vàng khó có xu hướng lập đỉnh mới, mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng dao động 5,5-6,8%/năm, chỉ số VN-Index hồi phục mạnh mẽ, đạt đỉnh 886,65 điểm, tăng 72 điểm so với phiên giao dịch đầu tiên của tháng, tương ứng 9%. Do đó, trong ba tháng cuối năm, vàng và tiết kiệm được dự báo sẽ mất dần ưu thế.
Theo nhận định của ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn CN Hồ Chí Minh, dòng vốn cuối năm sẽ vẫn tập trung vào các kênh đầu tư chính là chứng khoán và BĐS. Với nhà đầu tư ngắn hạn, ưu tiên nguồn vốn thời điểm này sẽ là kênh đầu tư chứng khoán. Từ việc lãi suất ngân hàng giảm, mặt bằng giá của các cổ phiếu trên thị trường được điều chỉnh giảm về mốc an toàn nên nhà đầu tư có thể vay tiền đầu tư vào chứng khoán. Bên cạnh đó xu hướng thoái vốn của nhà đầu tư nước ngoài đẩy áp lực lên các nhà đầu tư nội, khiến dòng tiền đầu tư phải rút khỏi các kênh không an toàn và lựa chọn kênh đầu tư khác. Giữa việc chọn gửi ngân hàng với mức lãi suất rất thấp, vàng đã qua giai đoạn cao điểm, trái phiếu doanh nghiệp không còn màu mỡ thì chứng khoán vẫn tiếp tục là kênh trú ẩn tạm thời có tính thanh khoản cao.
Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn Chi nhánh Hồ Chí Minh nhìn nhận dòng tiền ngắn hạn sẽ chảy vào chứng khoán trong khi BĐS vẫn thu hút nguồn vốn dài hạn.
Tuy nhiên với giới đầu tư trung và dài hạn, BĐS mới là sân chơi được ưu ái nhiều nhất. Tâm lý đầu tư của người Việt dù giai đoạn nào cũng luôn có niềm tin vào việc tăng giá của BĐS, đặc biệt, khi dân số ngày càng gia tăng, đất đai không thể mở rộng. Với áp lực phải có doanh thu và kết thúc 2020 trọn vẹn, các chủ đầu tư sẽ tất tay trong quý 3 và quý 4 năm 2020. Do đó, dòng tiền đổ vào các kênh bán hàng gia tăng, khơi lại dòng vốn đang phân vân giữa BĐS và chứng khoán.
Cuối năm là khoảng thời gian mà các nhà đầu tư BĐS sẽ bắt đầu nhảy vào công cuộc “dò bắt đáy” thị trường. Tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt ở Việt Nam và cả thế giới, đặc biệt sau khi Nga công bố điều chế vacxin thành công là dấu hiệu tích cực cho thấy dịch bệnh có thể đẩy lùi trong khoảng thời gian ít nhất là 1 năm nữa. Các thông tin tích cực quay trở lại, nhà đầu tư thực sự vẫn dò tìm các BĐS giàu tiềm năng trong thời gian vừa qua. Các khách hàng có nhu cầu thực và nhà đầu tư lướt sóng thì vẫn chờ đợi sản phẩm BĐS từ các chủ đầu tư uy tín, pháp lý rõ ràng, đã tạo được những giá trị từ những dự án trước đó.
Câu hỏi đặt ra hiện nay là tiền trong túi nhà đầu tư có còn không, và giới đầu tư có thật sự sẵn sàng xuống tiền trong năm nay hay “để dành” cho 2021?
Nhà đầu tư đang chuyển hướng dòng tiền sang các kênh đầu tư có tính an toàn cao hơn, vàng và trái phiếu sẽ không còn được ưu ái. Ảnh minh họa
Trả lời câu hỏi này, ông Đinh Minh Tuấn nhận định, người Việt luôn có tâm lý tích lũy khoản dự phòng để xử lý các tình huống xấu trong gia đình nên nguồn tiền nhàn rỗi trong dân còn rất lớn, đặc biệt ở các khu vực không được tiếp cận các kênh đầu tư như chứng khoán, BĐS, người dân chủ yếu mua vàng và gửi ngân hàng. Bên cạnh đó khi bước vào giai đoạn bình thường mới, các nhà đầu tư cũng có nhiều kinh nghiệm hơn, không có chuyện bán tháo BĐS. Điều này giải thích tại sao giá BĐS không có xu hướng giảm và giá chứng khoán hồi phục sau 3-4 tháng giãn cách xã hội.
Bàn về cơ hội đầu tư trong các tháng cuối năm, ông Tuấn nhận định, thị trường BĐS hiện nay khó khăn nhưng trong nguy khi nào cũng có cơ. Việt Nam đang là quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh, xu hướng chuyển dịch công xưởng của thế giới về Việt Nam cũng đang ngày càng rõ. Ngoài ra, hiện nay lãi suất ngân hàng ngày càng thấp, có lợi cho tất cả các ngành nghề kinh doanh ổn định trở lại. Tiêu dùng của người dân sẽ tăng lên. Với tình hình chung như vậy, 3 tháng cuối năm sẽ là thời điểm tốt để các cá nhân có thể mua được BĐS phù hợp. Tại các thị trường du lịch nổi tiếng như Đà Nẵng, Khánh Hoà, cơ sở lưu trú 2-3 sao đang được rao bán với giá khá thấp là cơ hội cho các nhà đầu tư muốn mua loại hình BĐS khai thác.
“Thị trường BĐS Việt Nam có sự khác biệt tương đối so với BĐS của khu vực và thế giới, sự khởi sắc của BĐS gắn liền với biến động chính trị và các chính sách của nhà nước. Riêng trong năm 2020 nhiều chính sách tốt ra đời hỗ trợ cho sự tăng trưởng phát triển cho 2021. Khi thượng tầng chính trị đã được cơ bản ổn định (sau giai đoạn bầu cử), các chính sách sẽ được tháo gỡ và xử lý triệt để, lúc đó, thị trường BĐS sẽ bắt đầu 1 chu kỳ tăng trưởng mới dự kiến 2021-2030. Nếu nhà đầu tư nắm bắt cơ hội trong giai đoạn này, khả năng thu được lợi nhuận khi thị trường ổn định là rất cao”, ông Tuấn phân tích.
Đăng nhận xét